"...Xã hội Việt Nam ngày nay chỉ là một xã hội cư dân, nghĩa là nó bao gồm những người có “hộ khẩu”, song không còn một quyền công dân thực hiệu nào, như ở mọi quốc gia thực sự dân chủ trên thế giới. Xã hội cư dân chỉ trở thành xã hội công dân khi nào nó có quyền tự quản..."
Các tin khác » |
Mặt khác, nếu chúng ta không muốn giống như những người học đòi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà không biết, nên chẳng bao giờ giải tỏa nổi mối băn khoăn chủ nghĩa xã hội là gì, thì bước đầu để giải đáp thắc mắc “Vì sao ta phải xây dựng dân chủ” ở đây phải là khả năng trả lời thông thoáng thách thức, tuy đơn giản nhưng cốt tủy này: dân chủ là gì, hay, thế nào là dân chủ?
Một lúc nào đó trong đời, chúng ta đều đã có dịp đi tìm định nghĩa về dân chủ qua sách báo. Và về sự tìm tòi này, xin thú thực – đồng thời xin thề thêm, rằng điều tôi sắp nói ra đây là hoàn toàn chân thật, chứ không phải là lời khen đểu, nói mỉa hay giễu cợt: sự xác định hay nhất, thỏa đáng nhất mà tôi từng nghe và đọc, là định nghĩa về dân chủ do chính ĐCSVN quang vinh đưa ra, và đưa ra trong thời gian cai trị cả nước, chứ không phải lúc còn bôn ba nơi rừng núi. Tại sao tôi tin là hay nhất? Bởi vì nó là khoa học – và khi nói khoa học, tôi không nghĩ tới thứ khoa học giả cầy Mác Lênin, hoặc các khoa học nhân văn và xã hội còn bị chê là “mềm”, mà tới các khoa học “cứng” như vật lý hay hóa học. Tại sao tôi cho là “khoa học”? Bởi vì nó đồng dạng, nên cũng có thể được xem như cùng một loại hình, với lối định nghĩa phổ biến nhất trong các khoa học thực nghiệm ngày nay.
Để minh họa, thử lấy một hai thí dụ thuộc vào loại giản dị nhất. Trong hóa học, nếu câu hỏi là: “a-xít” là gì?” chẳng hạn, thì nhà thực nghiệm trả lời: a-xít là thứ dung dịch mà nếu ta nhúng vào đấy một mảnh giấy quỳ màu tím, mảnh giấy quỳ ấy sẽ chuyển sang màu đỏ. Trong vật lý học, nếu câu hỏi là: “thế nào là cứng hơn?” chẳng hạn, thì nhà thực nghiệm trả lời: kim loại A được xem là cứng hơn kim loại B, khi ta dùng một điểm nhọn của mảnh A để vạch một đường trên mặt phẳng của B, thì nó sẽ để lại một vết rạch trên mặt mảnh B. Lối xác định này được gọi là “định nghĩa thao tác”, và đặc trưng của nó đã được các nhà khoa học luận đúc kết như sau: định nghĩa thao tác là lối định nghĩa một vật thể hay một tính chất nào đó, bằng cách đề ra các thao tác và những hiệu ứng khiến ta nhận biết sự xuất hiện, nghĩa là sự tồn tại, của vật thể hay tính chất ấy, khi nghiên cứu.
Trở lại với câu hỏi: dân chủ là gì? Để giải đáp, Đảng đã không giáo điều vặn vẹo đối lập “dân chủ thực sự” với “dân chủ hình thức” như thói quen trả bài xưa nay. Đảng cũng không trả lời bằng sự liệt kê thường tình: “dân chủ là thứ chính thể có hiến pháp, có pháp luật, có quốc hội, có tòa án, v. v…” – bởi vì các thiết định này, thật ra, có mặt trong đủ loại chế độ: hiến pháp có thể chỉ là tờ giấy lộn, luật là luật rừng hay luật đểu, đại biểu quốc hội là bù nhìn, và quan tòa là ô-sin,… như loài người đã từng chứng kiến nhiều lần trong lịch sử. Đảng cũng không đặt dấu nhấn trên một số nét tiêu biểu: “dân chủ là loại chế độ có nhà nước pháp trị, có bầu cử, có đối lập“– bởi vì kẻ cai trị vẫn có khả năng vừa làm ra luật vừa ngồi xổm lên pháp luật, biến mọi cuộc đầu phiếu thành các màn thi đua gian lận, và đem đối lập cuội ra diễn biến hòa bình. Trái lại, Đảng đã đưa ra công thức sau, và mặc dù nó mang dáng dấp của một khẩu hiệu tuyên truyền, tuyệt vời thay, không như mọi biểu ngữ sến khác, đây lại chính là một định nghĩa thao tác hết sẩy về chế độ dân chủ. Thế nào là dân chủ? Đảng trả lời giản dị nhưng trong sáng, dứt khoát, và triệt để: dân chủ là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Xin diễn nghĩa một cách cụ thể, bình dân, dựa trên điển mẫu thao tác: ở bất cứ nơi nào, khi ta đặt người dân trước một vấn đề quan trọng của quốc gia hay về đời sống của họ, mà người dân ở đấy chứng tỏ là họ có hiểu biết về nó, có thể đem nó ra mổ xẻ bàn tán được, có thể thực hiện hay góp phần thực hiện nó, có thể kiểm soát tiến độ thực hiện và, khi cần thiết, thay đổi người thi hành, truy tố kẻ phạm tội, … thì nơi đó có dân chủ. Nói cách khác, kiểu cách và trừu tượng hơn, cho ra vẻ lý thuyết gia chính trị: dân chủ là thứ thể chế tồn tại – và chỉ tồn tại – trên một quốc gia, khi nào người dân ở đấy có thể “biết, bàn, làm, và kiểm tra” mọi vấn đề quan trọng của đất nước họ hay về cuộc sống của họ, một cách thiết thực và hữu hiệu.
Nhà chính trị học nào có thể định nghĩa hay hơn? Nhưng đấy mới chỉ là một nửa của cái hay – cái nửa được nói ra. Do tác động qua lại của cặp đối tác kẻ cai trị / người bị trị là một trong ba[1] biện chứng cấu thành của chính trị, còn một nửa của cái hay nữa chưa được phát biểu, dù vẫn luôn có mặt. Nói cách khác, cho đầy đủ và rõ ràng hơn: các hiệu ứng“biết, bàn, làm, kiểm tra” phía người bị trị (nhân dân) cũng đồng thời bao hàm cả những hiệu ứng mà phía kẻ cai trị (Nhà nước) bắt buộc phải thể hiện. Nghĩa là: 1) Nhà nước phải thông tin đầy đủ và chính xác về mọi vấn đề liên quan đến quốc gia và đời sống của người dân để họ có thể biết, chứ không thể là thứ nhà nước giấu giếm; 2) Nhà nước phải chấp nhận tập thể xã hội công dân như đối tác tự nhiên để dân có thể bàn và làm, nghĩa là phải tôn trọng các quyền con người và quyền tự do công dân như đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà ngay cả Hiến pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng chẳng dám lờ tịt (tự do tìm hiểu, tự do học hỏi, tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do in ấn, tự do hội họp, tự do bàn luận, tự do biểu tình, tự do ứng cử cũng như bầu cử, v. v…); 3) và cuối cùng, Nhà nước phải thực thi nghiêm túc nguyên tắc phân quyền, với các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (và ngay cả quyền thông tin, theo một quan điểm hiện đại hơn) hoàn toàn độc lập, để dân có thể kiểm tra, thay thế các viên chức nhà nước vô dụng hay vô trách nhiệm, hoặc truy tố những kẻ ác ôn hay tham nhũng, trong tự do và với hiệu quả thực sự.
*
“Vì sao ta phải xây dựng dân chủ”? Câu hỏi chính đáng bao nhiêu, thì câu trả lời hiển nhiên bấy nhiêu. Vì hiện thực chính trị của Việt Nam lại hoàn toàn khác, ở cả hai bên lằn ranh kẻ cai trị / người bị trị. Chỉ cần dẫn ra một, trên cả ngàn, thí dụ: hội nghị Thành Đô. Đảng và Nhà nước CSVN đã thông tin cho nhân dân những gì về một sự kiện lịch sử nghiêm trọng, một nguy tai nặng nề và lâu dài cho sự sống còn của dân tộc, của đất nước như vậy? Dân biết ư? Chẳng ai biết gì chính xác về những điều khoản đã được ký kết với phía Trung Quốc, trừ các quan chức tham gia cuộc “đàm phán”, nhưng họ đã nhận lệnh tự cắt lưỡi, tự chặt tay. Dân bàn ư? Bao nhiêu nhà báo đã bị treo bút, bao nhiêu bloggers bị tù, bao nhiêu trang mạng đã bị tường lửa, khi đòi công khai hóa nội dung thỏa thuận này? Dân làm và dân kiểm tra ư? Bao nhiêu bài báo đã “chìm xuồng”, bao nhiêu kiến nghị bị vất xó, bao nhiêu dân biểu tình đã bị bắt, bao nhiêu nhà đối lập bị bôi nhọ, quản thúc hoặc tống cổ sang các quốc gia Âu - Mỹ?
Tại sao ĐCSVN lại có thể hành xử như trên? Bởi vì Đảng đã tự áp đặt mình như thực thể chính trị duy nhất, và chưa bao giờ chấp nhận sự hình thành của một xã hội công dân hết cả. Xã hội Việt Nam ngày nay chỉ là một xã hội cư dân, nghĩa là nó bao gồm những người có “hộ khẩu”, song không còn một quyền công dân thực hiệu nào, như ở mọi quốc gia thực sự dân chủ trên thế giới. Xã hội cư dân chỉ trở thành xã hội công dân khi nào nó có quyền tự quản. Đối tác của Đảng trong không gian bên ngoài các định chế nhà nước là Mặt trận Tổ quốc, cánh tay nối dài của Đảng, nhằm “đội ngũ hóa” hàng tá tổ chức, hội đoàn thuộc loại “quàng khăn đỏ”: Hội Trí thức, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Phụ nữ “quàng khăn đỏ”, v. v… Đảng “chỉ đạo” Mặt Trận; Mặt Trận “kiểm soát” và “đả thông” mọi bức xúc của những hội viên, đoàn viên “có vấn đề” – ưa phản biện, phản đối, phản kháng, nghĩa là chẳng chóng thì chầy cũng sẽ phản đảng – chứ không an phận “quàng khăn đỏ” khi sinh hoạt trong cái cõi dân gian mà Mặt Trận lãnh nhiệm vụ lấp sao cho đầy. Nhân dân hả? Câm mồm, khoanh tay, ngồi im. “Mọi việc đã có Đảng, có Nhà nước lo”. Đâu rồi cái nếp suy nghĩ của thời kháng chiến: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”? Như bao văn thơ khẩu hiệu tuyên truyền khác, nó cũng “chìm xuồng” sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử. Điều còn lại là cái mệnh lệnh phải nắm giữ chính quyền bằng mọi thủ đoạn và bạo lực – kể cả sự phản trắc và móc nối với xã hội đen. Hóa ra càng học tập “tư tưởng Hồ Chí Minh” bao nhiêu, lại càng đứng trên đầu trên cổ quần chúng nhân dân bấy nhiêu!
Trong xã hội đỏ, không chỉ có biện chứng “người bị trị / kẻ cai trị” là phá sản; ở đây, sự đàn áp phong trào “dân oan” là biểu hiện hùng hồn nhất: những kẻ từng là vú nuôi và hầm trú cho lãnh tụ và cán bộ Đảng một thời, nay phải trỗi dậy để đòi lại đất đai, quyền sống! Nhận thức tương quan“ai là bạn / ai là thù” cũng hoàn toàn băng hoại; ở đây, sự khấu đầu trước Thiên triều Trung Quốc là biểu hiện rõ ràng hơn hết: “đồng chí”, đúng hơn, “quan thầy” của Đảng và một phần đảng viên là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, và hiện đang là mối nguy đe dọa sự sống còn của tổ quốc. Cuối cùng, “quân đội nhân dân” phải tuyên thệ trung thành, không phải với Tổ quốc, với Nhân dân như ở mọi nơi, mà với ĐCSVN! Và sự lộn sòng này là biểu hiện không thể chối cãi rằng biện chứng “công, tư” cũng phá sản nốt – bởi vì chẳng chính đảng nào trùng khít với nhân dân hết cả, và bất kỳ chính đảng nào, bất kỳ ở đâu, đang cầm quyền hay không, cũng chỉ có tư cách pháp lý là tư nhân mà thôi, chứ không phải là một định chế công. Do ĐCSVN là đảng của những kẻ có thẻ đảng viên, chứ không phải là của mọi công dân (sự phân biệt đảng viên / không đảng viên luôn luôn là biên giới cấm vượt qua của sự bố trí nhân sự trong mọi vấn đề lớn nhỏ của quốc gia), nên bởi sự thề thốt với Đảng, phải chăng “quân đội nhân dân” đã tự đổi quy chế thành một thứ quân đội tư nhân?
Tóm lại, toàn bộ đời sống chính trị ở Việt Nam ngày nay đều phá sản, do cả ba biện chứng cấu thành lĩnh vực này đều bị băng hoại bởi chế độ độc đảng, độc tôn. Mỗi năm Tết đến, người ta lại thấy xuất hiện cái biểu ngữ tự sướng có một không hai này ở Saigon: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước quang vinh”. Đảng đứng trước, đứng trên cả Tự nhiên, và tất nhiên là đứng trước, đứng trên cả Tổ quốc. Cũng đúng với thực tế của đất nước ngày nay thôi. Đảng có thể nhân danh Tổ quốc, Nhân dân. Nhưng đố Nhân dân, Tổ quốc nói thay cho Đảng. “Ai thắng ai”, ai ngồi trên đầu ai, là chuyện đã quá rõ ràng.
*
“Vì sao ta phải xây dựng dân chủ” ở Việt Nam? Có hai câu trả lời. Một cho người tìm hiểu thật thà. Một cho kẻ hỏi “đểu”.
Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta – và từ “ta” ở đây bao gồm cả đảng viên ĐCSVN – phải đấu tranh xây dựng dân chủ để nền chính trị nước nhà trở thành lành mạnh, như ở mọi quốc gia bình thường khác. Giữa nhà nước với xã hội công dân tự quản phải có một quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau và trách nhiệm với nhân dân, trước tiền đồ của đất nước. Về nhận thức ai là đồng minh, ai là kẻ thù trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền - độc lập, và sự toàn vẹn lãnh thổ - lãnh hải, phải có sự nhất trí hay ít ra là đồng thuận, giữa mọi tầng lớp chính trị và thành phần xã hội. Sự phân ranh đâu là chuyện công hay của công, đâu là chuyện riêng hay của riêng, cũng phải minh bạch, không chỉ để tránh việc “cầm nhầm” tài sản hầu diệt tận gốc nạn tham nhũng, mà còn để tránh mọi hình thức “lộn chủ” như vừa xảy ra với “quân đội nhân dân”. Có như thế thì trước mọi vấn đề quan trọng của đất nước Việt Nam này, dân mới biết, mới bàn, mới làm, mới kiểm tra được.
Đối với kẻ hỏi “đểu” thì câu trả lời cốt tủy cũng chỉ như trên mà thôi. Khác chăng là có thêm một ý tưởng ân cần này về ĐCSVN. Chúng ta phải đấu tranh xây dựng dân chủ – và từ “ta” ở đây chỉ giới hạn vào đảng viên, dư luận viên, cùng các thái tử công chúa đảng, như thể cái công thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thực chất là lời mời gọi “dậy mà đi” ngày nay, trân trọng nhưng kín đáo, của chế độ – để cho Đảng còn là một chính đảng, dù nắm quyền cai trị hay không, chứ không phải là một băng đảng tội phạm và bạo lực, một thứ mafia bị dân đánh giá là “vừa hèn với giặc, vừa ác với dân”. Và để cho “ta” có cơ hội tự suy ngẫm thêm về tính chân lý của kinh nghiệm chính trị sau: “quyền hành làm [ta] hư hỏng, và quyền hành tuyệt đối làm [ta] hư hỏng một cách tuyệt đối”[2].
Trần Thanh Nghị
San Jose, 30-11-2015
Viet-studies
[1] Lĩnh vực chính trị thường được phân định bằng ba cặp tương quan biện chứng: cai trị (lãnh đạo) / bị trị (nhân dân); bạn (ai là đồng minh?) / thù (ai là thù địch?); công (đâu là việc công?) / tư (đâu là chuyện tư?) Xem: Julien Freund, L’Essence de la politique, Paris, Sirey, 1965).
[2] “Power corrupts; absolute power corrupts absolutely” (John Dalberg-Acton, 1834-1902).
0 Comments:
Post a Comment