‘Tàu lạ’ giết ngư dân: Hải quân và công an Việt Nam còn ‘bám bờ’ đến bao giờ?

Chiếc tàu chở thi thể nạn nhân bị bắn chết ở biển Đông cập cảng Sa Kỳ ở Quảng Ngãi. (Ảnh chụp từ trang petrotimes).
Các tin khác »
» Xem tiếp
Ngày 28/11/2015, lại thêm một cái chết không thể nhắm mắt của ngư dân Việt trên biển Trường Sa lồng lộn “tàu lạ”.

Chưa hề tồn tại trong từ điển tiếng Việt, nhưng “tàu lạ” đã được những người không nhắm mắt với dân tộc mặc định cái tên Trung Quốc.

Nếu điều mặc định ấy là xác thực với thi hài mới nhất mang tên Trương Đình Bảy, lại thêm một cái tát nổ đom đóm vào mặt những lãnh đạo “ôm hôn thắm thiết đồng chí Tập Cận Bình”.

Đã rõ như ban ngày: Thất bại trong ý đồ củng cố phái “thân Trung” ở Việt Nam sau chuyến đi thăm Hà Nội đầu tháng 11/2015, Tập Cận Bình và Bắc Kinh đang nhanh chóng quay lại chiến thuật gây hấn và giết người.

Chỉ cần một bằng chứng nhỏ rằng “tàu lạ” liên quan với quốc tịch “Mười sáu chữ vàng”, cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy đã tiếp thêm một lời tố cáo đẫm máu đối với những kẻ đã ra lệnh cho các lực lượng công an và thanh niên xung phong đánh đập, đàn áp dã man các công dân biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn.

Cả ba hành vi ôm hôn, đàn áp và giết người trên lại cùng xảy ra trong tháng 11 năm 2015.

Sau 4 năm kể từ ngày tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam, sự thể đến nay đã quá rõ: một quân chủng luôn cổ vũ ngư dân “bám biển” như Hải quân Việt Nam lại luôn rung rúc bám bờ như một tư thế phủ phục nhất. Trong lúc đó, giới công an Việt đã như quên hẳn liêm sỉ và đạo lý cuối cùng để thẳng tay tấn công những đồng bào chống Trung Quốc.

Cứ mỗi 24 giờ người thân bị Trung Quốc tấn công và giết chóc, nỗi đau đớn của các gia đình ngư dân nghèo bị xâm hại cùng hàng triệu trái tim người Việt lại nhân lên gấp đôi: ánh mắt thất thần hướng biển trong những dự cảm bị cướp bóc, tra tấn và bắn giết của những ngư dân từng được nhà nước khuyến khích bám biển; cùng sự thất vọng cùng cực về thái độ không thể mô tả khác hơn là ô nhục của những người vẫn tuyên bố về “tình hữu nghị viển vông” hay “không để mất chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

Từ sau Hội nghị Thành đô năm 1990 với thất lợi quá lớn cho Việt Nam trước Trung Quốc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không thể là đầu môi chót lưỡi mà phải được hiểu một cách thống thiết vào lúc mỗi công dân phải chịu cảnh nhược tiểu hèn kém và ô nhục từ ngày giàn khoan HD 981 ngự trị ngay trước mũi chính thể Hà Nội - một cái gai nhức nhối cứ mỗi ngày lại đâm chọc sâu hơn vào 90 triệu cặp mắt người dân Việt.

Trong khi tuyệt đại đa số các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị và các hội đoàn của nhà nước vẫn chìm trong cơn á khẩu khó phương chữa trị, tất cả những gì cho tới nay mà chính quyền Việt Nam hé môi vẫn chỉ là bộ mặt thản nhiên kêu gọi “sẽ bảo vệ ngư dân mưu sinh” mà không có nổi một lời lên án Bắc Kinh tấn công và bắn giết đồng bào mình. Phải chăng đó là tâm địa và phương cách mang tên “Lê Chiêu Thống” của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và giới tuyên giáo Việt Nam?

Vẫn không có nổi một nghị quyết dù chỉ là ám chỉ về mối “xung đột Biển Đông” sau các hội nghị Trung ương và các kỳ họp Quốc hội năm ngoái và năm nay, cũng chưa từng biểu hiện manh mối nào để chứng tỏ cho 90 triệu đồng bào là “sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”, những người đang nắm quyền và chịu trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc đang muốn đưa Tổ quốc Việt Nam vào số phận phụ thuộc ngoại bang thê thảm đến mức nào?

Cuối cùng thì đã rõ: dân Việt và cả giới lãnh đạo Việt chỉ còn vươn cổ chờ đến một ngày nào đó, máy chém Trung Quốc sẽ sục thẳng vào nhà họ để bắn giết, cướp bóc và hãm hiếp như những gì tang thương năm 1979…

An lành không dành cho những thân phận ươn hèn.

Phạm Chí Dũng
Theo VOA
Phạm Chí Dũng

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment