Việt Nam cứ 9 người dân nuôi 1 cán bộ?

Đầu tháng Chín có hai tin được khá nhiều người chú ý. Thứ nhất là tin ba cán bộ tỉnh Thanh Hoá trình dự toán cho chuyến đi xúc tiến đầu tư ở mức gần 500 triệu đồng mỗi người cho chuyến đi chừng 10 ngày tới Hoa Kỳ. 

Tại một cuộc biểu tình, người dân cầm biểu ngữ tố cáo các quan chức nhà nước tham nhũng, cướp đất dân nghèo.

Những người am hiểu ngay lập tức nói rằng chi phí này là quá cao, nhất là khi đó là tiền thuế của người dân đóng vào để các quan chi tiêu. Cuối cùng tỉnh chỉ duyệt kinh phí chưa tới 700 triệu đồng cho cả ba người, thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu. Không rõ sức ép dư luận có ảnh hưởng tới đâu trong kinh phí được duyệt khiêm tốn hơn hẳn này.

Tin thứ hai thực ra là những tranh luận xung quanh việc liệu có đúng cứ chín người dân Việt Nam lại phải nuôi một cán bộ hay không. Con số này đến từ Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa của Đại học Fulbright Việt Nam và được nhiều báo dẫn lại. Ông Nghĩa lấy số liệu của Bộ Nội vụ mà theo đó tính tới tháng 3/2018, Việt Nam có 11 triệu người hưởng lương hay phụ cấp từ ngân sách và chỉ tính riêng ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã và phường đã có 1,3 triệu người như thế. Số liệu ông Nghĩa thu thập được công bố tại hội thảo về Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức vào cuối tháng 8/2018.

Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng dẫn lời Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói tại cùng hội nghị rằng Tổng thống Obama từng “rất ngạc nhiên” khi biết dân số Việt Nam chỉ bằng 25% dân số Hoa Kỳ nhưng công chức Việt Nam lại đông hơn. Ông Bảo được dẫn lời nói:

“Một tình trạng phi lý như thế không thể nào chấp nhận được và sẽ không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như vậy.”

Nhưng con số bao nhiêu người dân phải “nuôi” một cán bộ hiện đang gây tranh cãi. Có người đưa ra con số 19, người lại nói trên 20.

Trang tin VietNamNet nói số cán bộ, công chức và viên chức đang làm việc ở Việt Nam chỉ khoảng hơn 3,6 triệu người. Nhưng trang này cũng nói con số 3,6 triệu không bao gồm những người làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hay doanh nghiệp nhà nước, vốn cũng không nằm trong tổng số 11 triệu người mà Tiến sỹ Nghĩa dẫn.

Thay vào đó con số 11 triệu này bao gồm cả người về hưu, người hưởng các loại chính sách, chế độ của nhà nước trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng và các trường hợp khác. VietNamNet cho rằng con số trên 20 người dân cáng một cán bộ có vẻ hợp lý hơn.

Trong khi đó hồi tháng 7/2018, cây viết Nguyễn Khắc Giang dẫn số liệu từ Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê mà theo đó tính tới cuối năm 2017 có hơn 5,2 triệu người làm việc cho khu vực nhà nước và viết: “Nếu tính trên số dân gần 96 triệu người, sử dụng phép chia đơn giản, thì tỷ lệ cán bộ trên dân là 1 trên 19… Đây là gánh nặng rất lớn, phản ánh trong con số chi thường xuyên để duy trì bộ máy nhà nước ở mức hơn 71% ngân sách nhà nước, tính đến tháng 5/2018.”

Và dù con số thực tế là bao nhiêu đi nữa, người ta có vẻ không hoài nghi gì chuyện bộ máy công quyền của Việt Nam cồng kềnh bậc nhất ở châu Á và lớn hơn cả bộ máy chính quyền của Hoa Kỳ, nền kinh tế số một thế giới hiện nay.

Nhưng nếu bộ máy này liêm chính và hoạt động hiệu quả thì có lẽ người dân sẽ tạm hài lòng. Thực tế đó là nền hành chính mà người ta coi là lấy việc ‘hành là chính’. Xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi với bộ máy hành chính ở Anh để thấy hệ thống chính quyền ở Việt Nam được tổ chức để phục vụ cán bộ chứ không phải người dân.

Thứ nhất, tôi và mọi người dân Anh đều không có hộ khẩu. Mỗi khi cần chứng minh nơi ở, tôi mang biên lai đóng thuế cho chính quyền địa phương kèm với hoá đơn tiền điện hoặc nước là đủ. Người ta cũng có thể dùng giấy tờ ngân hàng gửi về địa chỉ của họ nữa. Chẳng ai phải mất ngày mất buổi đi xin giấy chứng nhận của uỷ ban nhân dân về nơi cư trú làm gì. Muốn đăng ký trường học cho trẻ con cũng chừng đó giấy tờ là đủ.

Thứ hai, những giấy tờ gì có thể làm qua bưu điện được, chính quyền đều phối hợp để làm. Bớt một khâu quan chức tiếp xúc với dân là bớt phiền hà. Tôi cần làm hộ chiếu có thể ra bưu điện lấy đơn, điền vào và gửi đi. Nếu cẩn thận hơn, bưu điện có dịch vụ kiểm tra xem tôi điền đã đúng chưa và gửi đi cho chắc ăn hơn. Khi nào xong họ gửi bảo đảm về tận nhà. Bằng lái xe cũng vậy. Khi sang tên, đổi chủ xe cũng thế.

Thứ ba, các cơ quan tiêu tiền thuế của dân, dù đó là chính quyền địa phương hay Bộ Quốc phòng, hàng năm đều phải kê khai họ dùng tiền vào việc gì. Cơ quan thu thuế cũng có trách nhiệm đảm bảo họ không thu sai thuế thu nhập của người dân. Mới đây tôi được cơ quan thuế gửi trả lại trên 700 bảng vì năm trước họ thu nhầm.

Thứ tư, thủ tục lập một công ty ở Anh vô cùng đơn giản. Tôi đã thử và có thể làm hoàn toàn qua mạng. Tôi chẳng phải gặp hay nói chuyện điện thoại với bất kỳ nhân viên chính quyền nào. Số tiền phải đóng theo quy định cũng chỉ có vài chục bảng và cũng đóng được qua mạng luôn.

Chẳng có chính phủ nào hoàn hảo cả nhưng tôi tạm cho nền hành chính ở Anh 7,5/10 điểm. Và nếu vậy Việt Nam có lẽ chỉ đáng 4/10. Tiền nuôi nền hành chính Việt Nam vừa đắt mà lại vừa không xắt ra miếng.


Nguyễn Hùng
Blog VOA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment