Việt Nam vào top 3 ‘tăng trưởng số người siêu giàu’ nhưng cần xem ‘giàu lên từ nguồn nào’

Chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên vui mừng quá sớm trước việc Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ “tăng trưởng nhóm siêu giàu” bởi vì cần xem những người này giàu lên từ nguồn nào.

Những gương mặt “siêu giàu” ở Việt Nam, từ trái ông Trần Bá Dương - chủ tịch Tập Đoàn Thaco, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập Đoàn Vingroup, và ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập Đoàn Hòa Phát. (Hình minh họa: Pháp Luật Việt Nam)

Báo Lao Động dẫn tin từ hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới “World Ultra Wealth Report” cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ “tăng trưởng người siêu giàu” nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017.

Số người “siêu giàu” tại Việt Nam với tổng tài sản trị giá từ $30 triệu trở lên tăng trưởng với tốc độ gần 13% trong giai đoạn 2012-2017, chỉ xếp sau Bangladesh (17.3%) và Trung Quốc (13.4%).

Nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, số lượng người giàu của Việt Nam tăng lên là điều đáng mừng. Điều này chứng tỏ “Việt Nam đang có môi trường kinh doanh thuận lợi giúp cho tăng số lượng về người giàu.”

Trước đó, báo cáo Thịnh Vượng 2017 (Wealth Report 2017) của Knight Frank, năm 2016 cũng cho thấy, Việt Nam có 200 người “siêu giàu,” mỗi người sở hữu từ $30 triệu trở lên.

Theo dự báo, trong vòng một thập kỷ tới, tức là đến năm 2026, số người “siêu giàu” tại Việt Nam sẽ tăng lên mức 540 người. Tốc độ tăng số lượng người “siêu giàu” đạt 170%, so với tốc độ tăng trong dự báo lần trước chỉ 140%.

Đây là tốc độ tăng người “siêu giàu” nhanh nhất thế giới, cao hơn cả tốc độ 150% của Ấn Độ và 140% của Trung Quốc.

Số lượng triệu phú Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng từ 14,300 đến 38,500 trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, nhận định về việc này, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng Việt Nam cần xem xét số người “siêu giàu” trong nước giàu lên từ đâu. Hiện tại, Wealth-X không công bố chi tiết về con đường làm giàu của các triệu phú đô la của Việt Nam.

“Nếu những người này giàu lên từ công ty ‘sân sau,’ bất động sản, rồi ăn chênh lệch giá đất,… thì điều này không đáng mừng. Bởi lẽ, việc này không giúp Việt Nam giải quyết bài toán thu nhập cho người lao động, không tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhiều người, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước mà chỉ mang lại lợi ích cho một số người,” ông Doanh được trích lời nói.


Người Việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment