Đẳng cấp của sự chia sẻ

Tháp Eiffel được chiếu sáng màu quốc kỳ xanh, trắng, đỏ của Pháp để vinh danh các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố ở Paris, ngày 16/11/2015.
Các tin khác
» Xem tiếp
Trong tuần vừa qua, cả thế giới rúng động vì những tin tức khủng bố tại hai thành phố thủ đô Beirut (Lebanon) và Paris (Pháp). Các vụ đánh bom xảy ra trong 2 ngày liên tiếp nhau, nhưng chỉ đến khi Paris lâm nạn, cả thế giới nói chung hay dân tình Việt Nam nói riêng mới bắt đầu thực sự chú ý đến tình trạng khủng bố đã dai dẳng kéo dài trong cả chục năm trở lại đây.

Tất nhiên phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực từ phía mạng xã hội Facebook khiến những người trước giờ chẳng hề quan tâm đến các vấn đề thời sự, chính trị cũng ngay lập tức sôi sục chia sẻ tin tức và niềm thương tiếc. Chỉ một hôm sau vụ khủng bố ngày 13/11, Facebook của tôi tràn ngập màu cờ nước Pháp.

Và bắt đầu từ đây, câu chuyện về ít nhất 129 người vô tội bị bắn chết tại thủ đô Paris dường như trở thành một cái nền để dựa trên đó người Việt bắt đầu thể hiện đẳng cấp với nhau.

Thể hiện đẳng cấp ra sao? Một bộ phận nhất định không chịu thay ảnh đại diện tạm thời thành màu cờ Pháp theo lời gợi ý của Facebook và chỉ trích đây là sự a dua chạy theo phong trào một cách vô nghĩa và vô ích.

Đám đông còn lại cũng ngay lập tức phản ứng và thậm chí viết một bài “thuyết trình” dài rất dài về “trào lưu tử tế” này và những lý do tại sao phần lớn dân tình quan tâm đến công dân Pháp và thủ đô Paris hơn những khu vực bị khủng bố khác. Những người “đẳng cấp” hơn, sẽ bỏ qua cả Paris và Beirut, họ dùng hashtag #Prayfortheworld hay #Prayforhumanity và đồng loạt đăng tải những sự kiện như voi chết, sóng thần, biểu tình… trên khoảng 10 địa điểm khác trên thế giới. Chỉ trong 2-3 ngày, Facebook của những người Việt nháo nhào và hổ lốn, bày phe chia phái, chỉ vì mỗi cái vấn đề…nên treo cờ trên ảnh đại diện hay không?

Chưa hết, những sự kiện nghiêm trọng về tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS và nạn nhân của các vụ việc khủng bố về đến Việt Nam, được bình luận và đàm phám dưới ngón tay của các “anh hùng bàn phím” cư dân mạng, trở nên nhếch nhác và thảm hại hơn bao giờ hết. Họ có thêm lý do nữa để tự hào về đất nước mình, một đất nước luôn an toàn và chẳng lo lắng sẽ có ngày xuất hiện một vụ thảm sát nào. Thay vì đi tìm những tài liệu về tôn giáo, chính trị để đọc, để hiểu, thì họ hò nhau mò mẫm các trang xã hội của người Hồi giáo, được cho là một thành viên của ISIS, thách thức đánh bom tại Việt Nam. Những lời bình luận bằng tiếng Việt hết sức bất lịch sự và…ngớ ngẩn được đăng tải tràn lan trên Facebook của người Hồi giáo lạ mặt ngay lập tức được chia sẻ và trở thành một câu chuyện đùa vui. Sự vô giáo dục và thiếu hiểu biết, cũng như tâm lý in dấu thù hằn của một bộ phận người Việt được thể hiện rõ ràng qua mỗi sự kiện lớn, dù là trong nước hay quốc tế. Những bình luận có ác ý kéo cả cuộc chiến thực dân Pháp để làm ví dụ cho “sức mạnh” Đại Việt cũng không hề ít ỏi. Họ nói “Người Việt chúng tôi còn đánh được cả Pháp, Mỹ, chứ IS đã là cái gì?”, “Vụ khủng bố ngày hôm nay là luật nhân quả vì 100 năm nô dịch Việt Nam.”

Đã quá chán ngán để nói đến những hiểm họa đang ngày ngày giết chết hàng trăm người dân Việt trên một đất nước được cho là đáng tự hào vì sự an toàn, từ tai nạn giao thông, chém giết, cướp bóc, ẩm thực độc hại cho đến các chính sách về bó buộc và kìm kẹp nhân quyền. Giờ đây tôi nhận thấy điều mà có thể giết chết không chỉ một con người, mà là cả một tộc người, một xã hội, đó là nhận thức hạn hẹp, yếu kém của từng cá thể. Và có lẽ đã đến lúc Việt Nam phải tự cầu nguyện cho chính đất nước của mình. Bởi Paris sau ngày 13/11 sẽ vẫn đứng thẳng, đứng vững và kiên cường, vì bề dày của lịch sử, của văn hóa và sự phát triển văn minh của từng công dân đã và đang sống trong lòng thành phố. Tôi tin là như vậy.

Sáng nay dậy đọc được tin, rằng có những người Hồi giáo sống tại Paris, cũng xếp hàng để đặt những đóa hồng trắng, thắp nến, hát quốc ca Pháp để tưởng nhớ và bày tỏ nỗi đau của mình tới các nạn nhân trước cửa nhà hát Bataclan, nơi có 89 người đã nằm xuống. Họ dùng những cử chỉ, lời nói ân cần nhất, không một chút căm thù phẫn nộ lẫn nhau. Nỗi buồn sâu nhất là nỗi buồn không thể diễn tả thành lời, giọt nước mắt mặn nhất là giọt nước chảy ngược. Tôi dám chắc những người đang ngày đêm cầu nguyện, sẽ chẳng ích kỷ yêu chỉ riêng kinh đô ánh sáng mà đang cầu nguyện một cách lặng lẽ nhất, thành tâm nhất cho những người dân vô tội tại mọi vùng đất nhỏ trên khắp thế giới.


Hoàng Giang
Theo VOA blog
Hoàng Giang

Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment