Gái mại dâm tại khu đèn đỏ Dolly ở thành phố Surabaya, Indonesia (AP Photo/Dita Alangkara). |
Cùng tác giả |
Đừng chỉ ngồi nghe và bắt chước
Quan sát Facebook và các diễn đàn báo chí, không dễ nhận ra nhiều bài viết ủng hộ mạnh mẽ đề nghị vừa kể. Có người bảo, lập ra phố “đèn đỏ” là cách quản lý tệ nạn tốt, vì “vẽ đường cho hưu chạy” sẽ biết hưu đi đâu, làm gì để có thể điều chỉnh và kiểm soát. Hiểu một cách nôm na, cứ để người dân được phép bán dâm, xem đó như một ngành thương mại, có giấy phép, có thuế thu nhập, có đăng ký hẳn hoi. Đó sẽ là cơ sở để những người bán dâm không phải trốn chui trốn nhủi, chịu nhiều khó khăn, cực nhọc.
Những ai theo trường phái này viện dẫn ra hàng loạt câu chuyện từ cái mà họ gọi là phố đèn đỏ của Thái Lan, Singapore, nhiều nước châu Âu…Tuy nhiên, không phải nước nào họ từng nghe nói có phố đèn đỏ đều là đúng, có chăng là họ chỉ nghe mà chưa tìm hiểu kỹ lưỡng nội tình bên trong. Hầu hết hiến pháp và luật pháp của các nước trên thế giới đều không công nhận (chứ chưa hẳn là cấm) các hình thức kinh doanh mại dâm. Nói một cách dễ hiểu, họ không cấm, nhưng không có nghĩa là họ cấp phép cho kinh doanh. Ví dụ như Thái Lan, quốc gia này thực tế “mắt nhắm mắt mở” cho phố đèn đỏ, chủ yếu để thu về ngoại tệ từ ngành công nghiệp du lịch. Đa phần người mua dâm ở Thái Lan là du khách nước ngoài; đó cũng là một trong những lý do, tuy không phải chính, nhưng cũng rất quan trọng giúp tỷ trọng du lịch góp vào GDP Thái Lan tăng liên tục trong nhiều năm.
Tương tự Thái Lan, nhiều quốc gia châu Âu hay nhiều bang tại Hoa Kỳ, trông có vẻ có “phố đèn đỏ” nhưng thực tế chính phủ không hề cấp phép hay thông qua các đạo luật cho người bán dâm. Nhiều quốc gia có ngành bán dâm nhưng cũng chỉ “mắt nhắm mắt mở” để phục vụ chủ yếu cho du khách nước ngoài. Việc quản lý du lịch theo cấp phép như Singapore thực tế không giống và càng không dễ như Việt Nam tưởng tượng. Với đất nước nhỏ bé về mặt diện tích lẫn dân số, cộng với trình độ giáo dục cao, ý thức về xã hội, cộng đồng cũng cao nên việc cấp phép cho ngành mại dâm cũng không quá khó quản lý.
Chưa kể, về dài hạn, chưa hẳn mô hình của Singapore sẽ phát huy hiệu quả. Trên thế giới đến nay chưa thấy quốc gia nào tìm đến và học hỏi mô hình quản lý mại dâm của Singapore. Trường hợp của Thụy Điển là một bài học xương máu. Quốc gia này đã từng hợp pháp hóa mại dâm trong 30 năm cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến năm 1998, Thụy Điển báo động và gấp rút ban hành bộ luật cấm hoạt động mại dâm, vì dịch vụ này đã phát triển mạnh đến mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, làm tổn hại đến các giá trị đạo đức xã hội.
Phố nhạy cảm không giảm tệ nạn
Một lý do khác để những ai ủng hộ phố nhạy cảm chính là việc giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy điều này hoàn toàn ngược lại. Nếu ngành công nghiệp mại dâm được mở, hàng loạt ngành hàng xa xỉ và tốn kém khác sẽ được mở ra và “ăn theo”, bao gồm thị trường thuốc lá, rượu bia, ma túy, cờ bạc, và đáng ngại nhất là tệ nạn buôn người. Việc nghĩ rằng chỉ quản lý ngành mại dâm mà không nghĩ đến sự liên đới và hiệu ứng domino từ ngành này quả thật là một sai lầm tai hại.
Nếu ai từng đến các phố đèn đỏ, tuy không được hợp pháp hóa nhưng rất rầm rộ ở Thái Lan, sẽ hiểu. Có rất ít các show diễn “sexy” lành mạnh được du lịch hóa phù hợp với mọi người. Còn lại, ngành mại dâm vẫn chỉ hoạt động ở một phạm vi nhất định. Khách muốn mua dâm thường đi theo các đường dây thông qua các vũ trường, quan bar, nơi tất cả mọi người không được dùng điện thoại, máy ảnh, các thiết bị điện tử khác. Ngoài dịch vụ mại dâm còn khá nhiều sòng bạc và các dịch vụ hao tốn tiền bạc như ma túy, bia rượu, thuốc lá, các trò chơi giới tính đầy nguy hiểm và trụy lạc dành cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đây chính là nguồn gốc của các đường dây buôn phụ nữ xuyên quốc gia, nối dài đến tận Myanmar, Trung Quốc, Campuchia.
Thu một, chi mười
Nếu ai nghĩ rằng công nghiệp mại dâm giúp quốc gia tăng thu thì cũng chỉ là những suy nghĩ “chưa tới”. Bởi lẽ việc giải quyết hệ lụy từ phố đèn đỏ sinh ra hao tốn gấp nhiều lần số tiền mà chính phủ nhận được từ thuế thu được từ ngành mại dâm. Các phố đèn đỏ của Hà Lan mỗi năm mang về cho đất nước này khoảng một tỉ USD. Tuy nhiên chính phủ Hà Lan phải chi nhiều tỉ USD nhưng vẫn không thể giải quyết được nạn buôn người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã và đang diễn ra với tần suất và số lượng cực kỳ nhức nhối. Điều này xảy ra tương tự tại thành phố Bonn của Đức. Cách đây 4 năm (năm 2011), Đức thu về 18.200 USD tiền thuế từ dịch vụ mại dâm. Trong khi đó, số tiền chi ra để đảm bảo an ninh cho các phố đèn đỏ tại đây lên đến 116.000 USD.
Hãy nhìn sang Thái Lan, đất nước được xem là có phố đèn đỏ, tỷ lệ hiếp dâm ở đất nước này lại cao nhất Đông Nam Á, với 7-8 vụ trên 100.000 dân (theo thống kê năm 2013), cao gấp hai lần Philippines, ba lần Singapore và năm lần Việt Nam. Tệ nạn này diễn ra tương tự tại bang Nevada (Hoa Kỳ), cũng là nơi hợp pháp hóa ngành mại dâm, tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30 vụ trên 100.000 dân. Cả Thái Lan và Mỹ chi không ít tiền để giảm bớt tệ nạn này, nhưng không đạt hiệu quả mong muốn.
Cao Huy Huân
Theo blog VOA
Cao Huy Huân
Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.
0 Comments:
Post a Comment