Tin liên quan |
Pháp hôm thứ Hai cho hay quân đội của họ oanh kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại hai thành phố Ramadi và Mosul của Iraq lần đầu tiên. Các giới chức nói rằng 4 chiến đấu cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle ở Ðịa Trung Hải. Hai chiến đấu cơ bay đến oanh kích một thành phố. Sau vụ tấn công ở Paris làm 130 người thiệt mạng, Pháp đã tăng mạnh chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Ông Pierre de Villiers, Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, cho biết:
"Mục tiêu của chúng tôi là làm suy yếu và tiêu diệt vĩnh viễn Nhà nước Hồi giáo. Để làm suy yếu kẻ thù, chúng tôi phải đánh thẳng vào các trung tâm chỉ huy, trung tâm hậu cần, kho vận và trung tâm huấn luyện để đảo ngược chiều hướng của mọi thứ".
Nhưng đang có nhiều bàn tán cho rằng chỉ oanh kích không thôi thì không đủ để răn đe bọn khủng bố.
Ông Tarek Alabed, một chuyên gia về Syria, nhận định như sau:
"Khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này là không có các lực lượng quân sự trên bộ đủ mạnh. Nga đã thừa nhận là chiến dịch không kích của họ mới đây chưa đủ mạnh và không đạt được mục tiêu".
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran hôm thứ Hai để thảo luận về cách thức yểm trợ cho quân đội của Syria. Moscow và Tehran là hai đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây muốn ông Assad phải ra đi.
Ông Assad không tỏ dấu hiệu là ông sẽ từ bỏ quyền lực. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông nói về kế hoạch tương lai cho Syria.
"Điều quan trọng nhất với Syria và với tôi là hiến pháp, toàn bộ hệ thống, và đất nước nói chung phải là thế tục. Thế tục không có nghĩa là chống lại tôn giáo. Thế tục có nghĩa là tự do tôn giáo trong hệ thống bao gồm mọi tôn giáo, tín đồ của mọi giáo phái, và mọi sắc tộc".
Một số người Syria hy vọng rằng các vụ tấn công ở Paris sẽ khích động một nỗ lực quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo.
Phân tích gia Alabed nhận định:
"Các nước Âu châu bắt đầu thấy rằng chủ nghĩa khủng bố đang bao quanh họ, mặc dù các tổ chức cực đoan không ở ngay bên trong đất nước của họ".
Mọi người đang chờ xem liệu tổng thống Pháp có thể đưa các bên bất đồng ý kiến ngồi lại với nhau để chung sức chống lại chủ nghĩa khủng bố hay không.
Theo VOA
0 Comments:
Post a Comment